Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Những điều Nhà thầu cần nắm trong thanh quyết toán công trình

Khi làm hoàn công và quyết toán khối lượng, có một vấn đề mà rất nhiều nhà thầu bị thiệt hại, mặc dù là không lớn (thường dưới 100 triệu) đó là khối lượng công việc thực tế lớn hơn bill hợp đồng. Ở đây mình chỉ đề cập đến trường hợp hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh nhé.
Thường thì khối lượng công việc rất ít khi trùng với bill hợp đồng, lệch tăng hoặc giảm. Trường hợp giảm thì lấy bằng đúng khối lượng thực tế. Trường hợp tăng thì chỉ lấy bằng khối lượng hợp đồng. Những nhà thầu nào chịu khó thì yêu cầu chủ đầu tư duyệt lại khối lượng, tuy nhiên vì giá trị nhỏ nên rất ít Nhà thầu làm điều này. Vậy có cách nào khắc phục không?
Mình xin đề cập các quy định của pháp luật để mọi người tham khảo nhé.

I. Luật đấu thầu 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005


Điều 50: Hình thức theo đơn giá

1. Hình thức theo đơn giá được áp dụng cho những phần công việc chưa đủ điều kiện xác định chính xác về số lượng hoặc khối lượng.

2. Chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng, số lượng thực tế thực hiện trên cơ sở đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá được chấp nhận điều chỉnh theo quy định tại Điều 57 của Luật này.

Điều 57. Điều chỉnh hợp đồng

1. Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng đối với hình thức hợp đồng theo đơn giá, hình thức hợp đồng theo thời gian và được thực hiện theo quy định sau đây:
b) Trường hợp có khối lượng, số lượng tăng hoặc giảm trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng trong phạm vi của hồ sơ mời thầu và không do lỗi của nhà thầu gây ra thì việc tính giá trị tăng hoặc giảm phải căn cứ vào đơn giá của hợp đồng;

2. Việc điều chỉnh hợp đồng chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện hợp đồng theo hợp đồng đã ký và phải được người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Giá hợp đồng sau điều chỉnh không được vượt dự toán, tổng dự toán hoặc giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu được duyệt, trừ trường hợp được người có thẩm quyền cho phép.

3. Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư thoả thuận với nhà thầu đã ký hợp đồng để tính toán bổ sung các công việc phát sinh và báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp thoả thuận không thành thì nội dung công việc phát sinh đó hình thành một gói thầu mới và tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật này.

II. Nghị định 85/2009/ND-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ


Điều 49. Hình thức hợp đồng theo đơn giá

Nguyên tắc thanh toán đối với hình thức đơn giá được quy định tại điều 50 của Luật Đấu thầu, cụ thể như sau:

1. Giá trị thanh toán được tình bằng cách lấy đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá được điều chỉnh nêu trong hợp đồng nhân với khối lượng, số lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện.

2. Đối với công việc xây lắp, trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế ít hơn khối lượng công việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu chỉ được thanh toán cho phần khối lượng thực tế đã thực hiện. Trường hợp khối lượng công việc thực tế mà nhà thầu đã thực hiện để hoàn thành theo đúng thiết kế nhiều hơn khối lượng vông việc nêu trong hợp đồng, nhà thầu được thanh toán cho phần chênh lệch khối lượng vông việc này.

Chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu chịu trách nhiệm xác nhận vào biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành để làm cơ sở thanh toán cho nhà thầu.

3. Việc thanh toán phải căn cứ vào các điều khoản thanh toán nêu trong hợp đồng. Chủ đầu tư, cơ quan thanh toán khi tiến hành thanh toán cho nhà thầu cần tuân thủ quy định tại điều 53 Nghị định ngày.

III. Nghị định 48/2010/ND-CP ngày 07/5/2010 hướng dẫn hợp đồng thi công xây dựng

Điểm C khoản 3 điều 15 (giá hợp đồng xây dựng)


c) Giá hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh được xác định trên cơ sở đơn giá cho các công việc đã điều chỉnh do trượt giá theo các thỏa thuận trong hợp đồng nhân với khối lượng công việc tương ứng. Điều chỉnh giá do trượt giá thực hiện theo phương pháp quy định tại khoản 3, 4 Điều 36 Nghị định này;

Khoản 5 điều 18 (thanh toán hợp đồng xây dựng)


5. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh: được thực hiện trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có) được nghiệm thu và đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá đã điều chỉnh do trượt giá theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng.

Khoản 2 điều 34 (Nguyên tắc điều chỉnh giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng )

2. Đối với hợp đồng trọn gói, thì chỉ được điều chỉnh hợp đồng cho những khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi hợp đồng đã ký (đối với hợp đồng thi công xây dựng là nằm ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn là nằm ngoài nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện).

Điều quan trọng là khối lượng tăng hoặc giảm đó phải được các bên ký tá đầy đủ, có hồ sơ hoàn công (được quy định rất rõ tại khoản 1 điểm c điều 19 - Hồ sơ thanh toán hợp đồng XD)
"- Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thực tế (tăng hoặc giảm so với khối lượng trong hợp đồng) trong giai đoạn thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu hoặc dại diện Tư vấn (nếu có) và đại diện bên nhận thầu."

Như vậy căn cứ các điều khoản trên thì khi quyết toán công trình mà giá trị quyết toán không vượt quá giá trị hợp đồng thì tất cả khối lượng tăng giảm đều được đưa vào giá trị quyết toán. Phần lớn đều rơi vào trường hợp này. Nhưng khi làm quyết toán thì khối lượng vượt hợp đồng đều bị bỏ ra.
Trường hợp giá trị quyết toán vượt giá trị hợp đồng và nhỏ hơn tổng mức thì trình Chủ đầu tư phê duyệt lại dự toán điều chỉnh để quyết toán.
Trường hợp giá trị quyết toán vượt giá trị hợp đồng và vượt tổng mức thì trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để quyết toán.